1) Tên nhiệm vụ: “Nghiên cứu đánh giá thực trạng nghề sản xuất tôm giống Ninh Thuận, đề xuất mô hình cơ sở sản xuất giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGAP, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước”

2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận

3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:

  1. ThS.Trương Khắc Trí (Chủ nhiệm đề tài)
  2. 2. Thân Trọng Thủy Tiên (Đồng chủ nhiệm đề tài)
  3. 3. Phạm Quốc Hùng
  4. 4. Phan Đình Thịnh
  5. 5. Dư Ngọc Tuân
  6. 6. Nguyễn Văn Dụng
  7. 7. Võ Văn Hải
  8. 8. Trương kim Thảo
  9. 9. Nguyễn Thị Yến Linh
  10. 10. Đặng Văn Hiệp

4) Mục tiêu của nhiệm vụ:

– Đánh giá thực trạng sản xuất tôm sú giống và tôm thẻ chân trắng giống của tỉnh Ninh Thuận;

– Trên cơ sở đó đề xuất mô hình sản xuất tôm giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGAP.

5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):

Điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh:

Nghề sản xuất tôm giống của tỉnh có từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ, thị trường rộng khắp cả nước, từ lâu đã được đánh giá cao về uy tín và chất lượng. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng một số vùng sản xuất tôm giống chưa được đầu tư tương xứng để phát huy thế mạnh phát triển.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng tôm giống của tỉnh:

– So sánh về hiệu quả sản xuất (thông qua tỷ suất lợi nhuận) cho thấy không có sự khác biệt giữa các quy mô sản xuất (lớn hơn 500 tr. Post/năm, 100-500 tr.Post/năm và nhỏ hơn 100 tr.Post/năm). Tuy nhiên các cơ sở lớn có ưu thế hơn về tiềm lực kinh tế, khả năng áp dụng quy trình an toàn sinh học, khả năng liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

– Kết quả khảo sát các yếu tố môi trường chất lượng nước: Hàm lượng các kim loại nặng (Fe, Cu, Zn), hàm lượng BOD5, COD, Amoniac (NH3-N) và Coliform đều nằm trong giới hạn cho phép đối với nước sản xuất tôm giống và trong giới hạn an toàn đối với ấu trùng và hậu ấu trùng tôm.

– Kết quả khảo sát mầm bệnh không phát hiện thấy nấm Fusarium và virus đốm trắng WSSV trong tất cả các mẫu nước biển, tôm giống, tôm bố mẹ, thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ (dời, hầu, mực, ốc ký cư). Hầu hết các mẫu nước biển, tôm giống, tôm bố mẹ, thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ đều cảm nhiễm nhóm vi khuẩn Vibrio (Vibrio tổng số: bao gồm nhóm gây hại và không gây hại). Tuy nhiên, chỉ phát hiện một tỷ lệ nhỏ mẫu tôm giống (4,4%) nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

– Phân tích hàm hồi quy đa biến đối với các yếu tố cơ bản theo tiêu chí VietGAP, xác định có 7 biến ảnh hưởng và 2 biến không ảnh hưởng đến năng suất sản xuất tôm giống.

Đề xuất mô hình cơ sở sản xuất tôm giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGap, hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn của cả nước:

Đề tài đã đề xuất các giải pháp hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn của cả nước và đề xuất mô hình sản xuất tôm giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGap.

6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:

Bắt đầu: tháng 07/2016. Kết thúc: 03/2018.

7) Kinh phí thực hiện: 1.058,38 triệu đồng, trong đó:  

+ Ngân sách sự nghiệp khoa học:        1.058,38 triệu đồng.

+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì:                 0,0 triệu đồng.

+ Khác (vay, huy động…):                         0,0 triệu đồng.

8) Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ số: 2019-259-02/KQNC Cấp ngày 02/4/2019