1) Tên nhiệm vụ: Bảo tồn nguồn gen Nấm Linh chi (Ganoderma) có nguồn gốc từ Vườn Quốc gia Phước Bình
2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Vườn Quốc gia Phước Bình
3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:
- ThS. Nguyễn Công Vân
- ThS. Nguyễn Anh Tuấn
- TS. Phạm Tấn Việt
- TS. Nguyễn Thị Diệu Hạnh
- 5. Phạm Nguyễn Đức Hoàng
- 6. Lưu Văn Luông
- 7. K Não Duy Pháp
- 8. Hoàng Thế Hưng Long
- KS. Trần Lập Kim
- CN. Nguyễn Văn Tâm
4) Mục tiêu của nhiệm vụ:
Mục tiêu chung:
Bảo tồn và phát triển nguồn gen họ nấm Linh chi Ganodermataceae nguồn gốc từ VQG Phước Bình, hướng đến phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần ổn định thu nhập cho người dân, giảm áp lực đến tài nguyên VQG.
Mục tiêu cụ thể:
– Đánh giá hiện trạng, thành phần hóa học, hoạt tính sinh học, sưu tập bổ sung, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ phân bố, tiêu bản, hình ảnh một số loài nấm Linh chi.
– Xây dựng và bổ sung danh lục nấm của VQG Phước Bình;
– Tuyển chọn, phân lập thành công, bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ 02 loài nấm Linh có nguồn gốc từ VQG Phước Bình;
– Xây dựng và bước đầu chuyển giao mô hình nuôi trồng nấm Linh chi có nguồn gốc từ VQG Phước Bình cho nhân dân.
5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đã hoàn thành về cơ bản các nội dung của đề tài theo thuyết minh ban đầu cụ thể như sau:
– Điều tra, khảo sát, thu thập bổ sung và tư liệu hóa nguồn họ nấm Linh chi Ganodermataceae tại VQG Phước Bình.
+ Đã xây dựng được 08 tuyến điều tra trên toàn diện tích VQG Phước Bình. Các tuyến điều tra được số hóa và lưu trữ trên phần mềm Mapinfo, Google Earth. Sử dụng các phương pháp định danh đã xác định chính xác các mẫu nấm thu được thuộc các chi của họ nấm Linh chi Ganodermataceae.
+ Tiến hành xây dựng tiêu bản mẫu, tiêu bản ảnh một số loài nấm Linh chi và bổ sung danh lục nấm của VQG Phước Bình.
– Bảo tồn an toàn nguồn gen họ nấm Linh chi Ganodermataceae có nguồn gốc từ VQG Phước Bình.
+ Khảo sát môi trường phân lập giống và môi trường nhân giống nhanh cho 03 loài nấm Linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), Linh chi cổ cò (Ganoderma neo japonicum), Quế linh chi (Humphreya endertii).
+ Khảo sát thành phần cơ chất nuôi trồng thích hợp cho 02 loài nấm Linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), Quế linh chi (Humphreya endertii).
+ Khảo sát các điều kiện ảnh hưởng tới việc hình thành quả thể nấm và chu trình phát triển của nấm cho 02 loài nấm Linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), Quế linh chi (Humphreya endertii).
+ Lưu trữ, bảo tồn bằng phương pháp lạnh sâu 05 mẫu nấm tại phòng thí nghiệm Vườn Thực Vật thuộc VQG Phước Bình và 03 mẫu tại Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
+ Triển khai thực hiện mô hình bảo tồn, sản xuất bán tự nhiên tại Vườn Thực Vật thuộc VQG Phước Bình, mô hình thực hiện thành công và được đánh giá có thể triển khai nhân rộng cho cộng đồng vùng đệm.
– Đánh giá nguồn họ nấm Linh chi Ganodermataceae có nguồn gốc từ VQG Phước Bình.
+ Thực hiện đánh giá cho 02 loài nấm Linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), Quế linh chi (Humphreya endertii):
Đã phối hợp với Viện Thực phẩm Chức năng phân tích các thành phần hóa học quan trọng của 02 loài nấm Linh chi đỏ, Quế linh chi: Polysaccharid; Triterpenoid; Saponin; Oleic acid. Tiến hành so sánh kết quả phân tích với 02 mẫu nấm thu hái tự nhiên có giá trị thương mại là loài Linh chi đỏ và Linh chi tím khai thác tự nhiên.
Đã phối hợp với Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Trường Đại Học Công Nghiệp TP. HCM kiểm tra phương pháp xác định khả năng kháng khuẩn, kiểm tra ảnh hưởng của dịch chiết nấm Linh chi lên 02 dòng tế bào ung thư phổi (NCI H460), tế bào ung thư gan (Hep G2) của 02 mẫu nấm Linh chi nuôi trồng trong nhà.
– Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật và chuyển giao mô hình nuôi trồng nấm Linh chi tại VQG Phước Bình.
+ Triển khai thành công 02 mô hình trồng nấm Linh chi trong nhà tại Trung tâm Thông tin – Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận và Vườn Thực Vật thuộc Ban quản lý VQG Phước Bình. Kết quả 02 mô hình trồng nấm Linh chi được đánh giá là có khả năng nhân rộng, mang lại có hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm đặc trưng cho địa phương.
+ Đã lựa chọn 05 hộ có điều kiện thực hiện mô hình, Tiến hành hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà trồng, bịch phôi và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng. Năng suất khô trung bình từ 8kg đến 9kg/mô hình, sau 3 tháng chăm sóc lãi suất ước tính thu được khoảng 1,5 triệu đồng/hộ.
– Đào tạo tập huấn
+ Đã tập huấn cho 20 lượt người về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm Linh chi tại xã Phước Bình.
+ Tổ chức hội nghị đầu bờ với 40 lượt người tham gia gồm cộng đồng vùng đệm, phòng Nông Nghiệp huyện Bác Ái; UBND xã Phước Bình; Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Nông sản chất lượng an toàn thực phẩm Phước Bình.
+ Đã tổ chức 01 hội thảo khoa học giới thiệu kết quả của đề tài với sự tham gia của Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ Thuật tỉnh Ninh Thuận, phòng Nông Nghiệp huyện Bác Ái, UBND xã Phước Bình, Các Phòng Chuyên môn, Hạt Kiểm Lâm, Trung tâm Du lịch và Dịch vụ Môi trường rừng, Doanh nghiệp, Hợp Tác Xã và người dân quan tâm trồng và phát triển nấm tại địa phương.
+ Đào tạo 05 kỹ thuật viên có khả năng triển khai các mô hình trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận.
+ Đề tài đã công bố 02 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
Bắt đầu: tháng 11/2016 Kết thúc: tháng 04/2020
7) Kinh phí thực hiện: 1.960,55 triệu đồng trong đó:
+ Ngân sách sự nghiệp khoa học: 1.137,73 triệu đồng.
+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì: 822,82 triệu đồng.
+ Khác (vay, huy động…): 0,0 triệu đồng.