1) Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cái và khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Tp. HCM
3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:
- TS. Vũ Văn Nghị
- TS. Dương Thị Thúy Nga
- CN. Nguyễn Quang Long
- KS. Nguyễn Bảo Triều
- KS. Nguyễn Quốc Đàm
- KS. Trần Quốc Lâm
- ThS. Lê Thị Thu Hiền
- ThS. Nguyễn Thị Thụy Hằng
- ThS. Đặng Thị Thanh Lê
- ThS. Nguyễn Ngọc Tuyến
- CN. Lê Thị Kim Qui
4) Mục tiêu của nhiệm vụ:
Mục tiêu tổng quát
Đánh giá tiềm năng nguồn nước lưu vực sông Cái và khả năng đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận giai đoạn hiện trạng và theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá tiềm năng nguồn nước lưu vực sông Cái bao gồm số lượng, chất lượng và động thái theo không gian và thời gian;
- Dự báo khả năng đáp ứng của nguồn nước sông Cái đối với phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 làm cơ sở điều tiết và phân phối sử dụng hợp lý nguồn nước sông này;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước (DatabaseGIS) bao gồm dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian (bản đồ) lưu vực sông Cái.
5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Trên cơ sở ứng dụng mô hình phân bố FRASC kết hợp với công tác thu thập, tổng hợp tài liệu, điều tra khảo sát thực địa, cũng như sử dụng các phương pháp phân tích thống kê, bản đồ và công nghệ GIS, đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra thông qua kết quả của những nội dung đã thực hiện sau:
– Đánh giá được đặc điểm tự nhiên và đặc điểm KT-XH tác động đến quá trình hình thành dòng chảy hệ thống sông Cái Phan Rang; thu thập, tổng hợp hiện trạng và quy hoạch các công trình khai thác nguồn nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện trạng quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Cái Phan Rang.
– Tính toán được nhu cầu nước của các hộ sử dụng gồm sinh hoạt, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, công cộng, dịch vụ, du lịch… trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn hiện trạng và dự báo theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
– Đánh giá được hiện trạng chất lượng nước hệ thống sông Cái Phan Rang diễn biến theo không gian và thời gian dựa vào số liệu quan trắc chất lượng nước từ năm 2003-2013 và theo kết quả tính toán chỉ số WQI; từ đó xây dựng bản đồ phân vùng chất lượng nước mùa mưa và mùa khô.
– Mô hình FRASC mô phỏng lũy tích diễn toán dòng chảy trên lưu vực đã được hiệu chỉnh và kiểm định đảm bảo độ tin cậy với sai số cân bằng tổng lượng BIAS < 5% và hệ số hiệu quả R2 > 0,8, từ đó lưu lượng dòng chảy ngày trên lưu vực sông Cái Phan Rang theo từng ô lưới với độ phân giải 30’ đã được mô phỏng từ năm 1985-2011.
– Đề tài đã tính toán dòng chảy năm, mùa theo các tần suất thiết kế khác nhau như P = 5% – năm nhiều nước; P = 50% – năm nước trung bình; và P = 90% – năm ít nước phục vụ bài toán quy hoạch sử dụng nguồn nước tổng thể; xác định được lượng nước đến các tuyến công trình trong điều kiện tự nhiên và khi có xả từ nhà máy thủy điện Đa Nhim.
– Dựa vào kết quả tính toán nhu cầu nước và tiềm năng nguồn nước lưu vực, cân bằng nước các huyện thuộc lưu vực sông Cái và cân bằng nước các tuyến công trình đã được xác định, từ đó đánh giá được khả năng đáp ứng nguồn nước của lưu vực cho nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn hiện trạng, giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đánh giá tổng thể tài nguyên nước lưu vực sông Cái Phan Rang làm cơ sở khoa học và thực tiễn để các nhà quản lý địa phương hoạch định các chính sách, các kế hoạch nhằm khai thác sử dụng, quản lý và bảo vệ hiệu quả nguồn nước, hướng tới phát triển bền vững lưu vực.
6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
Bắt đầu: Tháng 8/2012. Kết thúc: Tháng 01/2017
7) Kinh phí thực hiện.: 817,319 triệu đồng; trong đó
+ Ngân sách sự nghiệp khoa học: 817,319 triệu đồng.
+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì: 0,0 triệu đồng.
+ Khác (vay, huy động…): 0,0 triệu đồng