1) Tên nhiệm vụ: Đánh giá sức chịu tải của sông Cái và phân vùng xả nước thải vào sông Cái đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035

2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Phân hiệu trường Đại học Thủy Lợi tại tỉnh Bình Dương

3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:

  1. PGS.TS. Triệu Ánh Ngọc
  2. ThS. Đỗ Văn Đạo
  3. ThS. Vũ Hải Sơn
  4. ThS Đặng Tuấn Phong
  5. TS. Lê Công Chính
  6. KS. Vũ Lê Duy Thái
  7. ThS. Đỗ Dương Kim Bảo

4) Mục tiêu của nhiệm vụ:

Mục tiêu chung: Xác định sức chịu tải nguồn nước sông Cái và phân vùng xả nước thải vào nguồn nước sông này đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 để làm cơ sở khoa học cho việc ban hành và phân bổ của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và nghị định số 38/2015/NĐ-CP; đồng thời, làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ nguồn nước sông Cái đạt Quy chuẩn chất lượng nước mặt loại A.

Trên cơ sở định hướng mục tiêu, các mục tiêu chính của đề tài sẽ phải đạt, cụ thể như sau:

–  Đánh giá hiện trạng, dự báo xả thải vào sông Cái, và  diễn biến chất lượng nguồn nước sông Cái đến năm 2025 và đến năm 2035

–  Xác định sức chịu tải và khả năng tiếp nhận nước thải của sông Cái đến năm 2025 và 2035

–  Đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước sông Cái hiệu quả theo các kịch bản phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035

5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):

Để thực hiện đề tài này theo mục tiêu đề ra, đề tài đã thực hiện hoàn tất các nội dung sau:

Nội dung 1: Tổng quan về khu vực nghiên cứu

–  Tổng quan về điều kiện tự nhiên khu vực nghiên cứu: vị trí địa lý, điều kiện khí tượng thủy văn, mật độ sông suối, chế độ dòng chảy…

–  Tổng quan về điều kiện kinh tế xã hội: dân số, giáo dục, y tế, cơ sở hạ  tầng, hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp, sử dụng đất …

Nội dung 2: Phân vùng tiểu lưu vực trong khu vực nghiên cứu

Dựa trên quá trình điều tra khảo sát thực tế, bản đồ địa hình, mô hình số độ cao, bản đồ cấp thoát nước khu vực nghiên cứu, ranh giới hành chính tiến hành phân vùng các tiểu lưu vực cho các kênh, rạch chính trên địa bàn khu vực nghiên cứu. Thành lập bản đồ phân vùng các tiểu lưu vực của các yếu tố đơn tính (trên cơ sở các kết quả thu thập, xử lý, tính toán) và chồng xếp bản đồ để phân vùng ngập và lưu vực tiêu thoát nước với việc ứng dụng các phần mềm GIS.   Sự phân vùng tiểu lưu vực được xem xét từ điều kiện thực tiễn, các dự án và quy hoạch tổng mặt bằng (xây dựng, giao thông) đã được thiết  lập  trên địa bàn vùng nghiên cứu  (các  lớp bản đồ phân vùng  tiểu  lưu vực  thuộc lưu vực sông Cái được lưu trên Mapinfo).

Nội dung 3: Đánh giá về tài nguyên nước và hoạt động khai thác sử dụng nước mặt

–  Đánh giá về tài nguyên nước khu vực nghiên cứu: Tổng hợp, phân tích tài liệu nhằm đánh giá chi tiết về  đặc  điểm các dạng  tài  nguyên  nước  (nước mặt,  nước ngầm, nước mưa) khu vực nghiên cứu.

–  Đánh giá hoạt động khai thác và sử dụng nước theo các tiểu lưu vực: Các hoạt động khai thác sử dụng nước ảnh hưởng đáng kể đến chất  lượng và khả năng  tiếp nhận của nguồn nước. Do đó, cần đánh giá các hoạt động khai thác sử dụng nước (cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, công nghiệp …) trên khu vực nghiên cứu, cung cấp cơ sở phân vùng mục đích sử dụng nước.

–  Xây dựng bản đồ phân vùng mục đích sử dụng nước theo các tiểu  lưu  vực: Dựa  trên các đánh giá về hoạt động khai thác sử dụng nước, tiến hành phân vùng mục đích sử dụng nước các kênh, rạch khu vực nghiên cứu.

Nội dung 4: Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước theo tỷ lệ 1:25.000

Đã Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước:  bao gồm báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, các chuyên đề và bản đồ theo tỷ lệ 1:25.000 kèm theo:

o  Bản đồ hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước

o  Bản đồ khoang vùng ô nhiễm nguồn nước

Nội dung 5: Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải  của  nguồn  nước  bằng phương pháp mô hình

Đã thu thập thông tin, tổng hợp dữ liệu, phân tích đánh giá khả năng tiếp nhận của từng kênh, rạch là nguồn tiếp nước thải công nghiệp, nông nghiệp và đô thị của khu đô thị nằm trên lưu vực sông Cái.

Nội dung 6: Xây dựng CSDL nguồn thải và khả năng tiếp nhận của nguồn nước

Đã tổng hợp toàn bộ các sản phẩm của đề tài, các tài liệu thu thập về nguồn thải và khả năng tiếp nhận của nguồn nước, qua đó xây dựng một cơ sở dữ liệu (CSDL)  thống nhất, đồng bộ phục vụ công  tác quản  lý, kiểm soát nguồn  thải, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường.

Nội dung 7: Đề xuất giải pháp quản  lý và kỹ  thuật nhằm giảm  thiểu ô nhiễm trên nguồn nước sông Cái

Trên cơ sở các kết quả đánh giá về nguồn thải và khả năng tiếp nhận nước thải, đề xuất các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm kiểm soát tốt các nguồn thải, giảm thiểu ô nhiễm trên sông Cái và các phụ lưu là nguồn tiếp nhận chất thải công nghiệp và đô thị khu vực nghiên cứu.

6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:

Bắt đầu: tháng 10 năm 2018.     Kết thúc: tháng 09 năm 2020

7) Kinh phí thực hiện:   1.809 triệu đồng , trong đó:

+ Kinh phí SNKH địa phương:    1.809 triệu đồng .

+ Kinh phí của Tổ chức thực hiện:   0,0 triệu đồng.

+ Nguồn khác (đối ứng của dân):  0,0 đồng..