1) Tên nhiệm vụ: Một số giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận.
2) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Đại hoc Tôn Đức Thắng
3) Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính:
- PGS.TSKH Bùi Loan Thùy
- TS Lê Thị Ngọc Điệp
3. TS Đỗ Xuân Hà
- TS Phan Quốc Anh
5. ThS Nguyễn Thị Thu Trang
6. ThS Phạm Thị Hà Thương
- ThS Tạ Xuân Hoài
- ThS Dương Thị Minh Phượng
- ThS Văn Tuấn Sơn
- CN. Bùi Quốc Việt
4) Mục tiêu của nhiệm vụ:
Nắm rõ thực trạng kinh tế, lối sống và tập quán của người Raglai và hiệu quả của các chương trình giảm nghèo đã và đang triển khai. Trên cơ sở này, đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
– Tìm hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, sinh kế của đồng bào Raglai huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận từ truyền thống đến hiện đại;
– Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của đồng bào Raglai huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đối với vấn đề nghèo đói và các chương trình sinh kế, các mô hình giảm nghèo đã và đang triển khai ở địa phương;
– Đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo của nhà nước và các dự án đã và đang thực hiện tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận;
– Đề xuất một số nhóm giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
5) Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Đã xác định được :
– Tìm hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, sinh kế của đồng bào Raglai huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận từ truyền thống đến hiện đại; Đề tài đã đi đến kết luận
Bác Ái là huyện miền núi gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên và nguồn lực phát triển kinh tế, huyện Bác Ái đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ Đảng và Nhà nước. Đây là tiền đề rất quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho huyện. Ngoài ra, với lịch sử văn hóa phong phú, đồng bào Raglai hiền lành, giữ gìn tốt truyền thống dân tộc, cuộc sống của đồng bào Raglai so với trước năm 1975 có những bước phát triển đáng kể.
Về điều kiện tự nhiên, Bác Ái có địa hình phức tạp nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới giao thông cũng như trong công tác quản lý hành chính. Khí hậu khắc nghiệt, mùa khô thì không khí khô nóng, nắng hạn kéo dài, vào mùa mưa thì mưa nhiều gây xói mòn, trôi đi chất dinh dưỡng của đất khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm nông nghiệp, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn khi thiết lập dự án phù hợp hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào.
Điều kiện sống của đồng bào Raglai rất khó khăn. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cộng với kinh tế kém phát triển nên phần lớn người dân thiếu việc làm để tạo thu nhập, hoặc nếu có thì công việc không ổn định, tiền công thấp không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt trong gia đình. Nghiên cứu tại 3 xã cho thấy, để có thu nhập đồng bào Raglai phải đi tìm việc ở một số tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa … tuy nhiên các công việc ở đây cũng chỉ có tính chất mùa vụ.
– Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của đồng bào Raglai huyện Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đối với vấn đề nghèo đói và các chương trình sinh kế, các mô hình giảm nghèo đã và đang triển khai ở địa phương; Đề tài đã đi đến kết luận
Đồng bào Raglai nhận thức đầy đủ về cái nghèo, phần lớn họ cảm thấy xấu hổ khi bị người khác đánh giá nhà mình nghèo và xét vào danh sách hộ nghèo nhưng do thiếu các nỗ lực và có các hành động để giúp gia đình mình thoát nghèo nên tỷ lệ nghèo vẫn còn cao cho dù trên thực tế đã có những bước phát triển nhất định.
Phong tục tập quán chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, đời sống tâm linh. Người Raglai sống rất lạc quan, hồn nhiên, vô tư, không ai xâm phạm quyền lợi của ai, duy trì tốt các chuẩn mực xã hội trên cơ sở niềm tin vào sức mạnh của thần linh, sợ sự trừng phạt của các đấng siêu hình. Với nét văn hóa ấy, người Raglai sống rất thư thả, thuận theo tự nhiên, vấn đề sở hữu tài sản được xem nhẹ. Phần lớn đồng bào Raglai bằng lòng với cuộc sống của chính mình, họ vui vẻ với ngày ba bữa cơm cùng muối và rau rừng. Mặc dù nhận thức được cái nghèo nhưng họ hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Họ không tranh đua, không tỏ ra đố kỵ với những gia đình khá giả hơn mình, luôn mong muốn sự công bằng, sự hỗ trợ của chính quyền khi tiếp nhận các chương trình, chính sách của nhà nước.
Yếu tố phong tục tập quán và trình độ học vấn là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo dai dẳng của đồng bào Raglai huyện Bác Ái. Mặc dù có nhiều sự thay đổi trong nhận thức so với trước đây nhưng một số phong tục, tập quán vẫn còn tồn tại trở thành rào cản trong việc phát triển kinh tế của nhiều gia đình. Tình trạng bỏ học sớm dẫn đến thiếu kiến thức trong tiếp cận việc làm, tảo hôn, sinh đẻ nhiều và không biết cách quản lý chi tiêu. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tính ỷ lại, mạng lưới xã hội yếu …cũng là những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của đồng bào Raglai, huyện Bác Ái.
– Đánh giá hiệu quả chính sách giảm nghèo của nhà nước và các dự án đã và đang thực hiện tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận;
Đồng bào Raglai đánh giá cao hiệu quả của các chính sách: chính sách nhà ở, chương trình hỗ trợ sản xuất, chương trình cho vay giải quyết việc làm. Thông qua sự hỗ trợ của các chính sách, đồng bào Raglai đã có nhà kiên cố để ở, có nguồn vốn để đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều gia đình đặc biệt là gia đình nghèo, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn thấp, các chương trình dạy nghề chủ yếu dừng ở lý thuyết, không biết áp dụng và thực tiễn, thiếu đầu ra cho sản phẩm, người dân không được tuyên truyền cụ thể về chính sách…
Đồng bào Raglai nhận biết đầy đủ các thông tin về các chương trình sinh kế, mô hình và các chính sách giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn và đánh giá rằng khá phù hợp với phong tục, tập quán làm kinh tế của các hộ gia đình. Các thành viên trong nhiều hộ gia đình có hứng thú với các mô hình sinh kế, chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức và khả năng tiếp nhận thông tin còn hạn chế nên mức độ tham gia của người dân vào các hoạt động của các chương trình, mô hình, dự án xóa đói giảm nghèo chưa thực sự tích cực và có hiệu quả. Họ chưa nhận thức được vai trò của từng chính sách giảm nghèo, mô hình sinh kế mà họ đang được thụ hưởng, từ đó, hiểu sai mục đích của các chính sách và nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vẫn còn một số hộ gia đình cho rằng việc ứng dụng các mô hình sinh kế, chính sách giảm nghèo trong thực tế vẫn còn thấp và thiếu hiệu quả.
Những khó khăn chính trong quá trình thực hiện các chương trình sinh kế, mô hình và chính sách giảm nghèo là:
+ Một số chính sách nhỏ lẻ, dàn trải và lặp lại.
+ Người dân thiếu sự hợp tác và tích cực trong các hoạt động của chương trình sinh kế, việc triển khai các chính sách của nhà nước tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại.
+ Hiệu quả xóa đói giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo khá cao.
+ Nguồn vốn cho vay của ngân hàng chính sách còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư sản xuất của các hộ nghèo.
+ Cơ chế giám sát quá trình thực hiện các chương trình sinh kế, mô hình và chính sách giảm nghèo thiếu chặt chẽ.
– Đề xuất một số nhóm giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Muốn nâng cao năng lực giảm nghèo bền vững đồng bào Raglai phải tự nỗ lực lao động, thay đổi nhận thức, có nhu cầu làm giàu. Nhà nước có thể đưa ra nhiều dự án khác nhau để người dân tích cực tham gia.
Các giải pháp nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai cần được thực hiện một cách lâu dài, đồng bộ và quyết liệt, không làm nửa vời. Chính quyền địa phương cần tăng cường sơ kết, tổng kết hoạt động của các chương trình, chính sách, mô hình giảm nghèo từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để đạt được hiệu quả cao hơn.
Trong các giải pháp đề xuất, để nâng cao năng lực thoát nghèo bền vững giải pháp trọng tâm là phát triển kinh tế – xã hội. Giải pháp mang tính đột phá là giải pháp phát triển du lịch.
6) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
Bắt đầu: tháng 02/2016 . Kết thúc: tháng 01/2017
7) Kinh phí thực hiện.: 503,325,000 triệu, trong đó:
+ Ngân sách sự nghiệp khoa học: 503,325,000 đồng.
+ Vốn tự có của tổ chức chủ trì: 0,0 triệu đồng.
+ Khác (vay, huy động…): 0,0 triệu đồng.
8) Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ số: 2018-259-03/KQNC Cấp ngày 2/8/2018